Lao động về quê Đồng Tháp hạnh phúc vì có việc ngay
Lao động về quê Đồng Tháp hạnh phúc vì có việc ngay
Đồng Tháp – Từng nghĩ chỉ có thể làm việc ở thành phố lớn, nay người lao động hài lòng trở về quê làm việc với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Dang tay đón người lao động trở về
Nhiều năm học tập, làm việc tại TP Hồ Chí Minh là quãng thời gian quý giá để nữ công nhân Lê Thị Thảo Nhi (23 tuổi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) phấn đấu cho những mục tiêu của bản thân mình. Song, khi đứng trước thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chị Nhi đã lựa chọn trở về Đồng Tháp quê nhà để có thể sum vầy cùng gia đình.
“Chi phí sinh hoạt cao, môi trường làm việc nặng nề khiến tôi chạnh lòng và nhớ quê nhà bình dị. Bản thân tôi cũng có niềm tin khi trở về quê sẽ tìm được công việc tốt. May mắn, tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Đồng Tháp kết nối làm việc gần nhà ngay sau đó” – chị Nhi cho biết.
Chị Nhi (bìa phải) đang làm công nhân may tại huyện Tháp Mười Ảnh: Lục Tùng
Từ kết nối đó, chị Nhi nhanh chóng trở thành công nhân làm khâu đóng gói tại Công ty TNHH Đại Phát Garments (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). Những ngày đầu, không khí khá chan hòa, cởi mở giúp chị sớm bắt nhịp với công việc mới. Mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng (tùy vào năng suất làm việc) cùng với nhiều mức hỗ trợ xăng xe, tiền nhà trọ… chị Nhi như quẳng gánh lo tiền nông.
“Đó không chỉ là không khí trong lành, mối quan hệ thân tình, mà còn có nhiều thời gian được gần gũi gia đình. Tất cả sẽ mang lại sự ấm áp, xoa dịu mọi căng thẳng sau ngày làm việc mệt nhọc” – chị Nhi tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Kim Hân – Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Đại Phát Garments – trao đổi với phóng viên Báo Lao Động.
Bày tỏ hài lòng về tinh thần, thái độ làm việc của Nhi, bà Nguyễn Thị Kim Hân – Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Đại Phát Garments – đánh giá cao công tác kết nối của TTDVVL Đồng Tháp. Trung tâm không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối được nhiều lao động chất lượng, mà còn thăm hỏi, động viên để người lao động có thêm động lực làm việc với năng suất cao, góp phần để công ty phát triển tốt.
“Chúng tôi có nguồn hàng ổn định đồng thời có chính sách thu hút người lao động, nhất là người lao động xa về quê làm việc. Công ty trả lương thời gian nhưng hưởng sản phẩm, theo đó, đối với người chưa có tay nghề sẽ được đảm bảo đời sống, còn người có tay nghề sẽ có cơ hội phấn đấu để lương tốt hơn (từ 10 – 15 triệu đồng/tháng)” – bà Hân nói.
Tiếp tục làm cầu nối
Phiên giao dịch việc làm của TTDVVL Đồng Tháp trở thành địa chỉ thân quen của nhiều người lao động tìm việc làm. Ảnh: TTDVVL Đồng Tháp
Thực tế, chị Nhi là một trong hàng trăm trường hợp người lao động được tỉnh Đồng Tháp định hướng tìm việc làm với phương châm “hạnh phúc ngay quê nhà”, công tác nhằm hướng tới sự tăng tốc bền vững.
Ông Nguyễn Phú Hiếu – Giám đốc TTDVVL Đồng Tháp – chia sẻ, việc làm ở Đồng Tháp đang trong tình trạng thừa – thiếu cục bộ. Trong lúc một số ngành, nghề như chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn, nhưng khó tuyển được, thì ở chiều ngược lại, nhiều lao động chưa qua đào tạo đi làm ngoài tỉnh sau thời gian khó thích nghi, trở về Đồng Tháp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khá cao song lại khó tìm được việc làm.
“Bên cạnh việc tăng cường công tác tạo cầu nối cho nhiều người lao động tìm được việc làm với thu nhập ổn định. Từ năm 2024, chúng tôi đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng làm cho người hiểu và tự nguyện tham gia vào chuỗi việc làm tại Đồng Tháp”, ông Hiếu cho hay.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tư vấn cho người lao động tìm việc làm mới. Ảnh: TTDVVL Đồng Tháp
Kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 23 phiên giao dịch việc làm, thu hút 358 đơn vị doanh nghiệp với hơn 6.800 lao động, học sinh tham dự. Thông qua các phiên giao dịch, đã giải quyết việc làm cho hơn 36.500 lao động.
Đây được xem là thành tựu nổi bật của Đồng Tháp trong bối cảnh nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang nan giải với nghịch lý: Địa phương cần tuyển dụng lao động nhưng khó tuyển được. Trong khi đó, số người lao động thiếu việc làm rất cao.
Nguồn: Báo Lao Động.