KHÓ TUYỂN LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG
Nhiều doanh nghiệp đăng tuyển với nhiều ưu đãi nhưng người lao động lắc đầu vì đang hưởng trợ cấp thất nghiệp
Mới đây, để kết nối nhu cầu tuyển dụng và tìm việc cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ), LĐLĐ, Quận Đoàn, Phòng Văn hóa và Thông tin quận 12, TP HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (CN) thành phố tổ chức ngày hội việc làm tại Nhà Thiếu nhi quận 12. Tại ngày hội có khoảng 7 DN tham gia tuyển dụng, rao tuyển cả ngàn vị trí việc làm, chủ yếu là lao động phổ thông với nhiều chính sách thu hút hấp dẫn, song vắng bóng người tìm việc.
Vắng bóng ứng viên
Tại ngày hội, Công ty Liên doanh Vĩnh Hưng rao tuyển 333 CN may, ép vải, thợ trải vải, kiểm hàng, phối hàng, ủi, kiểm soát chất lượng (QC)… Ngoài thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng, NLĐ còn được hưởng các khoản thưởng năng suất tháng, thưởng lương tháng 13, phụ cấp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi (260.000 đồng/tháng); tham gia bảo hiểm tai nạn 24/7 cho NLĐ và 2 người thân; miễn phí khám sức khỏe đầu vào khi nhận việc…
Riêng đối với CN may còn được hỗ trợ hội nhập 6 tháng đầu 1,6 triệu đồng/người. Ngoài ra, công ty cũng có chính sách thưởng 1,2 triệu đồng cho người giới thiệu CN (may, ép vải) vào làm việc.
Thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp cho nhân viên ra đường phát tờ rơi để tuyển người. Ảnh: NGÂN HÀ
“DN khó tuyển được người vì đa phần NLĐ đang trong thời gian hưởng BHTN chờ hưởng BHXH một lần để né sự thay đổi của chính sách BHXH thời gian tới. Vì vậy, họ chỉ tìm kiếm việc làm thời vụ, điều này tạo ra khó khăn cho các DN tuân thủ đúng quy định pháp luật trong việc tuyển dụng. Đây là bất cập đến từ sự thiếu ổn định của chính sách BHXH” – bà Lĩnh nói.
Nhiều bất cập
Tại hội nghị đối thoại giữa DN và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM mới đây, Công ty CP Gốm sứ Việt (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho hay vì không biết phương án rút BHXH một lần khi nào sẽ thông qua, nên nhiều NLĐ đã chọn cách có lợi nhất là nghỉ việc để rút BHXH một lần. Điều này gây ra biến động lao động, ảnh hưởng hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Samho Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), nói DN đang thiếu hơn 1.500 lao động nhưng tuyển người rất khó. Ông An cho rằng CN tránh đóng bảo hiểm nên muốn vào các xưởng sản xuất nhỏ, không ký hợp đồng lao động, chỉ muốn nhận lương ngày.
Do đó DN tuân thủ đúng luật thì bị lao động “chê”, vì theo quy định sau thời gian thử việc, công ty phải ký hợp đồng chính thức, đóng BHXH. Ít nhất trong 1 năm đầu sau nghỉ việc, CN sẽ không muốn vào chính thức. Trong suốt thời gian này họ vừa nhận trợ cấp thất nghiệp, vừa làm thời vụ để không phát sinh đóng bảo hiểm, bảo đảm điều kiện nhận trợ cấp một lần. Nhiều CN có tay nghề, được phòng nhân sự gọi điện trực tiếp mời đến thương lượng mức lương cao nhưng họ vẫn từ chối.
Theo đại diện Công đoàn Samho Việt Nam, bất cập này một phần do cách thức thực thi pháp luật mang lại. “DN xuất khẩu bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của nhãn hàng, tuân thủ pháp luật, chậm đóng BHXH sẽ bị nhắc nhở ngay. Trong khi các xưởng gia công nhỏ lẽ, tổ hợp gia đình… không đăng ký lao động, không tham gia bảo hiểm lại “lọt sổ”” – ông An nêu thực tế.